Chuyển đổi số chính là mục tiêu phát triển quốc gia của Việt Nam. Với 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia được chính phủ phê duyệt.
Ngày 22/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5316/QĐ-BYT về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Chuyển đổi số trong y tế là gì?
Chuyển đổi số trong y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.
Chuyển đổi số trong y tế sẽ tác động, và dẫn đến những thay đổi tích cực cho ngành y tế dưới 3 nội dung chính sau:
Thứ nhất, Chuyển đổi số trong y tế tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số.
Thứ hai, Chuyển đổi số trong y tế tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.
Thứ ba,Chuyển đổi số trong y tế tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”.
Tầm nhìn của chuyển đổi số trong y tế là đến năm 2030 sẽ ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
>> Xem thêm: Ba yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi số
Mục tiêu chuyển đổi số trong y tế đến năm 2025
a) Về mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế:
– Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
– 90% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 80% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
– 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia;
– 80% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại;
– Duy trì Cổng công khai y tế, Cổng công khai giá các thiết bị y tế 100% các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…được công khai trên cổng.
b) Phát triển xã hội số trong y tế
– 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt;
– 100 % các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;
– 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến;
– 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam.
c) Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân
– 100% người dân được định danh y tế;
– 100% cán bộ y tế (Bác sĩ, dược sĩ, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế) được định danh;
– 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
– 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế.
d) Chuyển đổi số trong y tế khám bệnh, chữa bệnh
15% (khoảng 210) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT- BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
Nguồn: Freepik
Mục tiêu chuyển đổi số trong y tế đến năm 2030
Tiếp tục duy trì bền vững các mục tiêu đã đạt được đến năm 2025 và phấn đấu đạt các mục tiêu như sau:
a) Về mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế:
– 100 % dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
– 100% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 90% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
– 100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại.
b) Duy trì phát triển xã hội số trong y tế theo các chỉ tiêu đã đạt được ở giai đoạn 2021-2025.
c) Duy trì các chỉ tiêu trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được ở giai đoạn 2021-2025; 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
d) Chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh
50% (khoảng 700) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
Chuyển đổi số trong y tế có thể giải được bài toán chăm sóc sức khỏe của người dân, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hóa. Y tế số sẽ giúp giảm bớt được các thủ tục giấy tờ, đẩy nhanh thủ tục hành chính trong thanh toán BHYT, giám sát quỹ BHYT,…Để chuyển đổi số trong y tế hiệu quả đòi hỏi phải am hiểu về chuyên môn sâu, có kiến thức về ngành, thực trạng chuyển đổi số của bệnh viện và thói quen sử dụng để phát triển giải pháp phù hợp, nhất là đối với những bệnh viện lớn thì dữ liệu cần đáp ứng được tính quy mô, tính chính xác, dễ hiểu và mang lại lợi ích lớn nhất cho khách hàng.