Làn sóng COVID-19 thứ 4 đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sau hơn 1,5 năm COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh mùa Covid.
Nhiều doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng phản ánh rõ nét các tác động của dịch bệnh Covid-19 tới tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, với đầy đủ các sắc thái khác nhau, có cả tích cực và tiêu cực.
Tình hình doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay
Trong 6 tháng đầu năm nay, có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh 6 tháng đầu năm là 35.607 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020. Có 9.942 doanh nghiệp đã giải thể trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp này, có gần 20% (1.953 doanh nghiệp) trước đó đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, nên số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và rút lui khỏi thị trường này không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm.
Nguồn: Canva
Không thể phủ nhận dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức lực của rất nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch thời gian qua.
Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh do: Covid-19, đầu ra đứt gãy, chi phí hoạt động tăng quá cao hay có thể do thay đổi ngành nghề, chiến lược kinh doan,… Cho dù là nguyên nhân nào thì đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội.
Trên thực tế, xâu chuỗi số liệu của 6 tháng qua, có thể nhận thấy, những lĩnh vực có số lượng đăng ký trong trạng thái “doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh” lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất. Điều này cũng phản ánh sự thanh lọc mạnh mẽ đang diễn ra trong các lĩnh vực trên. Những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ, qua đó giúp tái cơ cấu nền kinh tế, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn.
Với tình hình hiện tại thì doanh nghiệp cần làm gì?
COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân người tiêu dùng, buộc doanh nghiệp cũng phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân.
Theo đó, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.
Nguồn: Canva
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bắt kịp xu hướng tiêu dùng và kinh doanh hiệu quả, Thủ tướng đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ưu tiên các ngành nông nghiệp, tài chính – ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết các kết quả đạt được trong giai đoạn trước, rà soát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu phát triển thương mại điện tử giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/ QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 (Quyết định số 645/QĐ-TTg).
Mục tiêu của kế hoạch là đưa thương mại điện tử trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương