Năm 2020 là một năm đầy biến động, đặc biệt khi đây là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia với sự chung tay hành động của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số và người dùng.
Những thành tựu về chuyển đổi số tại Việt Nam trong năm 2020
Những cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử được ví như những chuyến tàu. Nếu như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là chuyến tàu cơ khí hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai là chuyến tàu điện khí hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là chuyến tàu tự động hóa thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là chuyến tàu thông minh hóa.
Nếu coi chuyển đổi số là một cơ thể sống thì trí tuệ nhân tạo (AI) chính là bộ não, mạng Internet kết nối vạn vật (IoT) là các giác quan, dữ liệu lớn (Big data) là huyết mạch, công nghệ điện toán đám mây (Cloud) là cơ bắp.
Trong năm 2020, cả thế giới chao đảo vì đại dịch COVID-19, đời sống xã hội bị thay đổi, kinh tế thiệt hại nặng nề chưa từng có. Bên cạnh những tác động xấu của dịch bệnh, ở một khía cạnh tích cực hơn, COVID-19 đã trở thành “chất xúc tác” thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.
Tại Việt Nam, COVID-19 đã tạo ra cú hích mạnh mẽ, đặc biệt là đối với hoạt động kinh tế, thương mại, giáo dục, hành chính, giao thông vận tải… Minh chứng là số doanh nghiệp công nghệ mới xuất hiện đạt tới gần 13.000 doanh nghiệp, tương đương với 28% của 30 năm qua. Kết quả này có được sau gần 1 năm ra đời Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghệ.
Sau 1 năm, “Make in Vietnam” không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp lớn đều lần lượt chuyển đổi mô hình, tiếp cận và làm chủ các công nghệ lõi. Ngay trong năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần làm chủ công nghệ mới nhất trên thế giới như 5G, Big data, AI…
“Chúng ta không tham vọng thay tất cả các tập đoàn khổng lồ trên thế giới làm tất cả các công nghệ nền tảng, quan trọng nhất là chúng ta dùng, chúng ta làm chủ và chúng ta có giải pháp của mình”
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cộng đồng doanh nghiệp số và tất cả người dân Việt Nam cần phải cùng chung tay, cùng chia sẻ để đi nhanh, đi xa trên con đường chuyển đổi số.
Là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, năm 2020 đánh dấu bằng việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Bên cạnh cơ chế chính sách được hình thành, khái niệm chuyển đổi số đã và đang trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống. Dự kiến, đến đầu năm 2021, các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước sẽ công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của đơn vị mình.
Có thể nói, chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, an toàn, giá thành rẻ, dễ sử dụng và mang lại những tiện ích cho mọi người.