Chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19.
I. Chuyển đổi số là gì và vì sao doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số?
Xu hướng chuyển đổi số đang lan rộng và ảnh hưởng đến hầu hết ngành nghề, nhưng nhìn tổng quát, mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị, đạt hiệu quả cao hơn. Ở Việt Nam, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là việc áp dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI)… vào các hoạt động của doanh nghiệp, tận dụng các yếu tố công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.
Theo ông Quách Ngọc Long – Giám đốc Công ty WorkIT, một doanh nghiệp sau khi chuyển đổi số có thể chuẩn hóa toàn bộ quy trình tác nghiệp, hợp nhất dữ liệu các đơn vị phòng ban, chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên, đảm bảo tính minh bạch, tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành… từ đó tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp và quản trị linh hoạt. Vì thế, không phải tự nhiên mà chuyển đổi số được đánh giá là xu hướng của các doanh nghiệp Việt.
II. Hỗ trợ kết nối, thu hẹp khoảng cách trong doanh nghiệp
Với các phương pháp truyền thống, các phòng ban thường hoạt động một cách rời rạc và luồng xử lý công việc thường chậm trễ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp phá bỏ các rào cản nội bộ nhờ nền tảng kết nối thông minh, đa chiều, đa chức năng giữa các bộ phận. Từ đó, doanh nghiệp sẽ cải thiện hoạt động, các luồng công việc diễn ra mạch lạc, trơn tru và ít bị phụ thuộc vào nguồn nhân lực bởi hầu hết công việc và quy trình sẽ được tự động hóa.
III. Nâng cao hiệu quả trong quản trị
Với chuyển đổi số, nhà quản trị hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát và đánh giá hiệu suất làm việc của từng nhân viên bất cứ lúc nào mà không cần phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào. Song song đó, mọi thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh được “số hóa” minh bạch, chi tiết rõ ràng, xóa bỏ những “vùng tối”, kém minh bạch trong quản trị. Những rủi ro không mong muốn sẽ được hạn chế. Việc chuyển đổi số cũng giúp nhà điều hành hoàn toàn có thể quản trị chuyên sâu vào mọi hoạt động của doanh nghiệp.
IV. Tối ưu năng suất làm việc
Năng suất làm việc của nhân sự được xem là phần thông số cần thiết mà mọi doanh nghiệo cần phải nắm rõ. Tuy nhiên, với các thước đo truyền thống, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa đo được con số thực tế rõ ràng và cũng không nắm được bất kỳ phương pháp nào để giúp tối ưu năng suất làm việc của nhân viên. Ứng dụng chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp cộng hưởng và tối ưu năng suất làm việc của nhân viên giúp tạo ra giá trị cao hơn nữa, gạt bỏ những công đoạn, quy trình không cần thiết.
V. Gia tăng chất lượng sản phẩm
Một thực tế không thể phủ nhận việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hoạt động 24/7 và không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao nhờ vào dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó còn giúp hạn chế lỗi nhờ vào quy trình giám sát thành phẩm. Đồng thời, nhân viên có thêm thời gian để hoàn thiện, nâng cao chuyên môn, nghiên cứu cải thiện và tối ưu hơn giá trị cũng như chất lượng sản phẩm. Về phía nhà quản lý cũng dễ dàng hơn trong việc theo dõi, đánh giá chất lượng công việc của nhân viên dựa trên chính thành quả thực tế thay vì “chấm công” như trước đây.
VI. Nâng cao năng lực cạnh tranh
Thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp đã và đang ứng dụng chuyển đổi số vào vận hành đạt được những hiệu quả cao hơn. Chưa kể việc chuyển đổi số còn giúp họ chiếm ưu thế hơn trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng nhằm thúc đẩy tiến trình mua bán và doanh thu vượt trội hơn so với các phương thức tiếp thị truyền thống.
Theo số liệu từ Enterprise, hiện nay, khoảng 76% doanh nghiệp Việt chưa bắt đầu chuyển đổi số có nguy cơ bị loại bỏ vì họ không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, chưa tìm được mô hình nào phù hợp với đặc thù của riêng mình và cũng chưa tìm được đối tác đồng hành.
VII. Khi nào là thời cơ để doanh nghiệp chuyển đổi số?
Để thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải nắm được “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” được xem là ba yếu tố quan trọng nhất.
Thiên thời: Yếu tố “thiên thời” thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia chính là việc Chính phủ kịp thời ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đang được chính quyền các cấp đang quan tâm và triển khai. Tại TP.HCM, trong tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã kết hợp cùng Hội Tin học TP.HCM (HCA) và hai đơn vị đồng hành là Sao Bắc Đẩu và WorkIT để đưa ra các gói chương trình về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp với mục tiêu là làm nhanh, ứng dụng nhanh và chi phí phù hợp. Song song đó, theo nhận định của ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch HUBA: “Chiến tranh thương mại toàn cầu và đại dịch Covid-19 đã có tác động mạnh đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và tạo ra thách thức lớn tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong hoàn cảnh đó, làn sóng công nghệ mới, công nghệ số, công nghệ 4.0 đang là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tận dụng, ứng dụng vào tái cấu trúc, đầu tư, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tại Việt Nam giúp cho doanh nghiệp thay đổi vị thế, thứ hạng và hiệu quả trên thương trường quốc tế.”.
Địa lợi: Yếu tố “địa lợi” chính là nguồn lực về công nghệ nội địa – đối tác công nghệ. Đây chính là một vấn đề quan trọng vì đây là công cụ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số. Trên thực tế, một phần mềm để giúp một doanh nghiệp chuyển đổi số cần phải có đầy đủ những chức năng và yêu cầu cần phải bám sát vào thực tiễn doanh nghiệp tránh lãng phí ngân sách nhưng không đạt được hiệu quả.
Nhân hòa: Yếu tố “nhân hòa” được hiểu là nội bộ doanh nghiệp công ty. Điều này yêu cầu nhà quản trị doanh nghiệp cần phải đưa ra một văn hóa công ty hợp lý và triển khai toàn bộ tư tưởng/ cốt lõi đến từng nhân sự trong công ty. Và nhân hòa chính là sự đồng lòng của các nhân viên trong công ty cùng hướng đến mục đích chung và cuối cùng của doanh nghiệp.
VIII. Doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi số thành công?
Để thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải nắm rõ quy trình năm bước bao gồm:
Lập kế hoạch: Doanh nghiệp cần xác định mục đích chuyển đổi số là gì, các công việc cần làm, thời gian dự kiến cho mỗi công việc, thời gian dự kiến cho cả quá trình chuyển đổi số…
Lập chiến lược: Đưa ra nhận định bám sát vào “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” hay nói cách khác, cần phải thực hiện đồng bộ với các chủ trương của Chính phủ…
Số hóa tài liệu và quy trình: Chuyển đổi số liệu giấy tờ vật lý hữu hình sang hình thái điện tử, số hóa và mọi hình thức truyền tải thông tin đều trên nền tảng online.
Chuẩn bị nhân lực: Thành lập ban chuyển đổi số gồm các nhân sự chuyên môn, đảm nhiệm trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Đầu tư công nghệ: Chọn lựa đối tác – giải pháp chuyển đổi số phù hợp với phạm vi ứng dụng và năng lực triển khai của doanh nghiệp. Có thể thực hiện theo từng giai đoạn, tùy mô hình nhưng quan trọng là đối tác thực hiện phải có những giải pháp và cam kết cùng đi đường dài với doanh nghiệp.
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn