Tư tưởng “được mất”, lối tư duy hạn chế cho rằng không phải là việc của mình đang được xem là những rào cản lớn nhất làm chậm quá trình chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chuyển đổi số là bắt buộc
Tại Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 vừa diễn ra mới đây, câu chuyện chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Ở đó, các chuyên gia, nhà sáng lập đến từ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hướng đi cũng như giải pháp cho các SME trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số mà cuộc cách mạng lần thứ 4 mang lại.
Theo số liệu thống kê, quá trình chuyển đổi số tại các SME đang là rất chậm, nếu như năm 2016, chỉ có 10% thì tới năm 2019, con số này mới tăng lên được mức 30% về số doanh nghiệp bắt đầu quá trình chuyển đổi số tính từ bước nghiên cứu đến triển khai. Cũng chính sự chậm chễ này đã bộc lộ hậu quả qua đợt dịch Covid-19 với việc hàng loạt SME phải đóng cửa do không thích nghi được với thói quen tiêu dùng của khách hàng đã được thay đổi.
Phó Tổng giám đốc VCCorp Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, mặc dù việc chuyển đổi số là nhu cầu không thể đảo ngược của làn sóng 4.0 nhưng hiện tại nhiều SME của Việt Nam đang mắc phải nhiều sai lầm nghiên trọng khi nhìn nhận và thực hiện quá trình này. Sai lầm dễ nhận thấy nhất là lối tư duy hạn chế khi cho rằng chỉ doanh nghiệp lớn mới cần chuyển đổi số, sử dụng các công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, nhiều SME luôn có tư tưởng “được hơn mất” khiến họ sợ tốn chi phí đầu tư, điều này là đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến khó lường. Không chỉ vậy, các SME còn cho rằng chuyển đổi số phải cần thực hiện càng nhanh càng tốt, do đó vô hình trung làm mất đi tính hiệu quả của giải pháp do chủ doanh nghiệp chưa hiểu rõ dẫn đến không thể tận dụng được tối đa lợi ích.
Ngoài ra, SME còn hay mắc phải sai lầm nghiêm trọng khác đến từ hệ quả trong suy nghĩ lệch lạc về chuyển đổi số. Họ “thần thánh hóa” giải pháp chuyển đổi số, mặc định cho rằng chúng sẽ phát huy hiệu quả ngay lập tức khi đưa vào áp dụng. Đây chính là “cú hạ đo ván” khiến cho việc chuyển đổi số khó tiếp cận hơn với SME tại Việt Nam.
Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin của VNPT-Vinaphone Đặng Thanh Hưng cũng cho rằng, hiện tại, chuyển đổi số là bắt buộc với các SME. Qua đợt dịch Covid-19 việc chuyển đổi này càng trở nên cấp thiết hơn khi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã đẩy nhiều SME vào tình trạng hoạt động vô cùng khó khăn. Tuy nhiên với những SME đã sớm đưa công nghệ vào hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình thì tình hình lại tương đối khả quan.
Đáng chú ý, ở thời điểm này, các SME đã bắt đầu có chuyển biến nhận thức về việc chuyển đổi số rõ ràng hơn trước khi có tới hơn 80% lãnh đạo doanh nghiệp muốn chuyển đổi số và khoảng 65% doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh vào chuyển đổi số. Hiện nay, các SME đang gặp phải nhiều thách thức như cạnh tranh, khách hàng thế hệ mới, năng lực, yếu tố không lường trước như thiên tai, dịch bệnh … Do đó, nếu các SME áp dụng chuyển đổi số sẽ tối ưu hóa về vận hành, mô hình kinh doanh, tăng trải nghiệm, gắn kết quan hệ khách hàng.
Chuyển đổi số phải xuất phát từ tư duy, nhận thức cũng như cần thực hiện xuyên suốt, đồng bộ với tầm nhìn định hướng chiến lược, ông Đặng Thanh Hưng đưa ra lời khuyên.
Hướng đi nào cho các SME?
Nói về chuyển đổi số với SME, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Kim Hùng cho rằng, đây là xu hướng tất yếu, tuy nhiên nếu thực hiện không đúng cách sẽ gây “phản tác dụng”. Việc chạy theo phong trào, đầu tư vào chuyển đổi số khi không có xuất phát điểm đúng sẽ dẫn đến thất bại. Do đó cần xác định rõ lộ trình chiến lược chính là “xương sống” để chuyển đổi số thành công.
Theo ông Nguyễn Kim Hùng để thực hiện được chuyển đổi số, ngay trong SME phải có sự thay đổi về mặt nhận thức của toàn thể doanh nghiệp, bắt đầu từ tư duy của ông chủ. Trên thực tế, nhiều SME khi thực hiện quá trình chuyển đổi số đã gặp phải cản trở lớn từ tư duy của nhân sự trong doanh nghiệp mình, dẫn đến tình trạng ứng dụng khó khăn. Có những trường hợp ông chủ doanh nghiệp rất muốn chuyển đổi số nhưng nhân viên không hiểu, chưa được thay đổi tư duy, dẫn đến xảy ra tình trạng thực hiện chống đối.
Việc thực hiện chuyển đổi số rõ ràng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho SME tuy nhiên cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, Phó Viện trưởng Nguyễn Kim Hùng cho rằng, các SME cần phải vạch ra mục tiêu cụ thể trước khi quyết định bước sang giai đoạn mới. Theo lộ trình xây dựng văn hóa – chiến lược số, cải tiến công nghệ, gắn kết khách hàng, phân tích và quản lý dữ liệu … nhằm giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp.
Điều quan trọng nhất, doanh nghiệp chỉ nên chuyển đổi số khi đã thực sự sẵn sàng. Khi đã xác định thời cơ và phân tích tiềm lực, các SME hoàn toàn có thể chuyển đổi số thành công theo lộ trình nghiêm túc, ông Nguyễn Kim Hùng đưa ra lời khuyên.
“Muốn chuyển đổi số, muốn tận dụng được tất cả hướng dẫn, chính sách, minh bạch dữ liệu thì các doanh nghiệp phải xem xét rằng nguồn lực, chiến lược phát triển, con đường kinh doanh của mình đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn mới hay chưa? Các doanh nghiệp cần tự mình trả lời câu hỏi đó. Nếu chưa, hãy quay về làm cho mình sẵn sàng rồi sau đó mới tính đến triển khai lộ trình chuyển đổi số”, Phó Viện trưởng đưa ra khuyến nghị.
Về phía đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp cho chuyển đổi số, Phó Tổng giám đốc VCCorp Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng quá trình này nên được triển khai từ những khâu nhỏ nhất, chọn lọc những điểm cần thực hiện và không nhất thiết phải triển khai toàn bộ trên cả hệ thống doanh nghiệp.
Ngoài ra, muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần thời gian và phải tùy mức độ, phạm vi lựa chọn của bản thân doanh nghiệp. Giai đoạn đầu triển khai sẽ rất mệt mỏi, tốn chi phí, mất thời gian, thậm chí làm doanh thu chững lại. Tuy nhiên nếu thành công, chuyển đổi số sẽ giúp SME hoạt động hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
Theo Kinh tế và Đô thị