Nền kinh tế số tại Việt Nam đang trên đà bùng nổ và trở thành thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ đứng sau Indonesia. Ước tính Việt Nam có hơn 72,1 triệu người dùng internet, chiếm ở mức 73,2% dân số. Những con số thống kê biết nói này đã thúc đẩy doanh nghiệp Việt đua nhau trên hành trình tham gia vào nền kinh tế số. Nhưng, vẫn còn sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm công nghệ: Chuyển đổi số và số hóa, nhiều doanh nghiệp đã nhầm tưởng rằng hai khái niệm này là một? Liệu điều đó có thật sự đúng? Chuyển đổi số và số hóa có giống nhau không? Cùng AlphaGroup làm sáng tỏ hai khái niệm này ngay dưới bài viết này nhé!
1. Số hóa là gì?
Số hóa là quá trình chuyển đổi các thông tin, dữ liệu trên giấy và quy trình thủ tục thủ công thành hình thức định dạng kỹ thuật số. Tương tự như việc chuyển một báo cáo từ giấy sang định dạng PDF. Thông tin dữ liệu sẽ không bị thay đổi mà chỉ đơn giản được mã theo định dạng kỹ thuật số.
Ưu điểm của số hóa là giúp rút ngắn quy trình xử lý, lưu trữ và truyền tải dữ liệu được nhanh chóng. Mặc dù dữ liệu ở dạng vật lý sẽ có tính ổn định, nhưng dữ liệu đã được số hóa sẽ có thể dễ dàng được chia sẻ và truy cập hơn. Qua thời gian, các dữ liệu được lưu trữ trên giấy sẽ có nguy cơ bị thất lạc, nhưng với định dạng kỹ thuật số thì việc lưu trữ, sao chép và chia sẻ sẽ không bị giới hạn, chỉ cần các dữ liệu được chuyển sang các định dạng khác mới và ổn định hơn.
2. Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số chính là quá trình tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data),…vào doanh nghiệp nhằm thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành hoặc văn hóa tổ chức của doanh nghiệp,…Tham gia trong quá trình chuyển đổi số này có sự kết hợp của công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối.
Mục đích của quá trình chuyển đổi số là sử dụng công nghệ để tối ưu quy trình hoạt động hiện tại của doanh nghiệp, gia tăng mức độ hài lòng trong hành trình trải nghiệm của khách hàng nhằm duy trì tính cạnh tranh và phù hợp với xu hướng nền kinh tế số.
>>Tìm hiểu ngay 3 chiến lược chuyển đổi số giúp doanh nghiệp “trở mình” trong thời đại công nghệ
3. Đừng nhầm lẫn giữa chuyển đổi số và số hóa
Không ít doanh nghiệp vẫn còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm chuyển đổi số và số hóa. Thực chất, nhiều doanh nghiệp cứ ứng dụng một công nghệ vào hoạt động kinh doanh thì nghĩ rằng mình đang tham gia vào cuộc đua chuyển đổi số. Hai khái niệm này có những điểm giống nhau và khác nhau để chúng ta phân biệt như sau:
3.1 Điểm giống nhau giữa số hóa và chuyển đổi số
Chính vì sự phát triển quá mạnh mẽ của công nghệ trong đời sống và cả phương thức kinh doanh đã khiến nhiều người bị nhầm lẫn hai khái niệm chuyển đổi số và số hóa.
Về cơ bản, chúng ta đều hiểu rằng, cả hai quá trình chuyển đổi này đều là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, làm thay đổi nhiều thao tác truyền thống, cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Những công nghệ được ứng dụng thường từ đơn giản đến phức tạp như chuyển dữ liệu trên giấy sang file mềm hay ứng dụng các công nghệ hiện đại như AI, Big Data, IoT,…
3.2 Điểm khác nhau giữa số hóa và chuyển đổi số
Để phân biệt được hai khái niệm chuyển đổi số và số hóa thực chất cũng rất đơn giản.
Số hóa là quá trình chuyển dữ liệu, thông tin từ giấy tờ, sổ sách sang định dạng kỹ thuật số và ứng dụng kỹ thuật số để đơn giản hóa quy trình làm việc, thay đổi cách thức lưu trữ hay thao tác làm việc nhưng không thể tối ưu hoàn toàn được hoạt động của doanh nghiệp.
Số hóa cũng được phân biệt thành hai dạng: Số hóa dữ liệu và số hóa quy trình.
- Số hóa dữ liệu là quá trình chuyển đổi dữ liệu từ dạng giấy sang định dạng kỹ thuật số. Ví dụ: Từ trước đến nay bạn thường sử dụng giấy để ghi chép lại thông tin hoạt động của doanh nghiệp, nhưng từ nay bạn không còn dùng hình thức lưu trữ truyền thống đó nữa mà chuyển sang nhập dữ liệu trên bảng tính Excel hay chuyển sang file PDF.
- Số hóa quy trình là việc sử dụng các dữ liệu, tài liệu đã được chuyển sang định dạng kỹ thuật số để nâng cấp, thay đổi quy trình vận hành, các quy trình làm việc, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: Sau khi dữ liệu đã được chuyển sang định dạng kỹ thuật số sẽ được tải lên cloud hoặc hệ thống lưu trữ dữ liệu riêng của doanh nghiệp nhằm giúp nhân viên có thể dễ dàng tìm kiếm, truy cập những tài liệu này. Từ đó, giúp các thao tác và quy trình làm việc được tối ưu hóa và thuận tiện hơn.
Quá trình số hóa được sử dụng tương tự như việc tìm ra giải pháp để truy cập, chia sẻ và lưu trữ thông tin được hiệu quả hơn.
Bao hàm được quá trình số hóa, chuyển đổi số là chiến lược đầu tư lâu dài, tác động lên toàn bộ doanh nghiệp, từ tổ chức, con người đến mô hình kinh doanh. Muốn chuyển đổi số, doanh nghiệp cần lùi một bước để xem xét lại toàn bộ hệ thống doanh nghiệp, từ nội bộ đến tương tác với khách hàng cả trực tuyến và trực tiếp.
>>Đọc ngay: Để thực hiện quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp phải bắt đầu từ đâu?
Để thực hiện chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện trên các phương diện sau:
- Trải nghiệm của khách hàng: Ngày nay người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết, thậm chí quá nhiều sự lựa chọn khiến họ phân vân. Vì thế, không những cung cấp sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cần tối ưu trải nghiệm người dùng, cung cấp các tương tác và trải nghiệm ý nghĩa làm hài lòng khách hàng và thúc đẩy lòng trung thành với thương hiệu.
- Trải nghiệm của nhân viên: Để tạo ra được sản phẩm/dịch vụ tốt thì đội ngũ nhân lực là cực kỳ quan trọng. Việc ứng dụng và trang bị các thiết bị công nghệ giúp tạo ra trải nghiệm làm việc đơn giản, hiện đại tăng năng suất lao động, gắn kết nhân viên, điều này dẫn đến trải nghiệm khách hàng cũng tốt hơn.
- Tối ưu hóa quy trình: Chuyển đổi số chính là sắp xếp hợp lý các quy trình công việc, quy trình kỹ thuật số và các tác vụ tự động một cách logic để tạo ra hiệu quả cao nhất.
- Số hóa sản phẩm: Nâng cấp sản phẩm/dịch vụ bằng cách sử dụng công nghệ để đem đến cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn, ví dụ như thiết bị được kết nối thông minh hay kích hoạt bằng giọng nói.
Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ mà còn giúp tạo ra cơ sở hạ tầng linh hoạt đổi mới liên tục và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu của người tiêu dùng.
Đây chính là những đặc điểm của sự khác nhau giữa chuyển đổi số và số hóa mà doanh nghiệp cần phân biệt được và tránh nhầm lẫn trong quá trình phát triển doanh nghiệp của mình. Hiểu đúng bản chất và làm đúng quy trình sẽ giúp doanh nghiệp tránh ảo tưởng sức mạnh và biết mình cần thực hiện những gì để tiến tới doanh nghiệp số trong thời đại kinh tế số.