Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người, tình trạng tràn lan thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn luôn là nỗi lo lớn của người dân nước này. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) với khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm ngay từ giai đoạn nuôi/trồng cho đến lúc tới tay người tiêu dùng, đang là giải pháp được nước này ứng dụng để xử lý tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không gõ nguồn gốc.
Rau nhiễm nặng thuốc trừ sâu, thịt hết hạn, sữa bột nhiễm độc, gạo nhựa,…là những vấn đề bê bối tác động nặng nề đến lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tại siêu thị. Khi người dân nước này nhận thấy được vấn nạn thực phẩm bẩn và dần thay đổi chuyển sang lựa chọn các thực phẩm hữu cơ và lành mạnh hơn thì việc tìm ra giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đã trở thành bài toán đối với nhà sản xuất và phân phối.
Theo một khảo sát của PwC năm 2018, có đến 40% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp toàn cầu cho rằng các minh chứng truyền thống là không hiệu quả và 39% thừa nhận sản phẩm của họ có thể bị làm giả một cách dễ dàng.
Blockchain truy xuất nguồn gốc là chìa khoá
Công nghệ Blockchain với khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính xác và không thể sửa đổi thông tin, có tiềm năng giải quyết các vấn đề sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2016, Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đã ra mắt siêu thị kết nối Hema đầu tiên. Chỉ với thao tác sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR của sản phẩm trực tiếp trên bao bì tại cửa hàng hoặc khi nhận hàng trực tuyến, người mua hàng có thể biết chính xác thông tin về sản phẩm như: Vị trí và nhiệt độ của sản phẩm trong toàn bộ quá trình phân phối, nhà sản xuất với hình ảnh giấy cấp phép của cơ quan chức năng, các chứng chỉ và tiêu chuẩn thực phẩm cũng như hàm lượng thuốc trừ sâu và hóa chất được sử dụng trên sản phẩm.
Các sản phẩm có thể áp dụng hệ thống này bao gồm thịt, hải sản, gạo, đậu phụ, đậu nành, trái cây và rau quả, thịt gia cầm, trứng, sản phẩm từ sữa, dầu ăn và thực phẩm bổ sung. Mỗi sản phẩm được cấp một mã duy nhất, có nghĩa thông tin được cung cấp cụ thể đối với sản phẩm đó chứ không phải theo lô.
Các chủ thể ở các khâu như người nông dân, nhà sản xuất, công ty giao hàng, nhà phân phối, cơ quan chứng nhận và người tiêu dùng sẽ được đưa lên một nền tảng Blockchain duy nhất, giúp thông tin trở nên minh bạch nhất có thể. Tất cả thông tin về việc chuyển giao hàng hóa giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng được tích hợp theo thời gian thực một cách rõ ràng và trung thực.
Tại Trung Quốc, GoGoChicken là dự án nuôi gà thả rông hợp tác giữa chính quyền địa phương và công ty khởi nghiệp Lianmo Technology. Những con gà được gắn ở chân thiết bị theo dõi vị trí và số bước chân chúng di chuyển. Khi người tiêu dùng quét mã QR, các thông tin về trọng lượng và hình ảnh của nó sẽ hiện ra. Lianmo đã sử dụng công nghệ Blockchain để đảm bảo dữ liệu là bảo mật và nguyên gốc. Ngay trong năm ra mắt, dự án này đã có 6.000 đơn đặt hàng và giá mỗi con gà có thể lên đến 40$ trên JD.com và các sàn thương mại điện tử khác.
Không những được ứng dụng trong chăn nuôi, Blockchain còn được ứng dụng trên các chuỗi cung ứng thực phẩm khác. Tại Mỹ, các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm xoài đã ứng dụng Blockchain vào để kiểm soát và truy xuất nguồn gốc từng trái xoài, đều này tạo một lòng tin vững vàng của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
Không những vậy, nhiều nền tảng Blockchain còn được chia sẻ các cổng dữ liệu với các bên tham gia chuỗi cung ứng, đồng thời mã hóa và lưu giữ dữ liệu bằng công nghệ sổ cái phân tán.
Xu hướng liên minh để minh bạch hóa thông tin
Nhờ hiệu quả và mức độ đáng tin cậy của công nghệ Blockchain mà nhiều doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ này giúp việc truy xuất nguồn gốc trở nên chính xác hơn.
Ở Trung Quốc, xu hướng thành lập các liên minh, nhóm doanh nghiệp được dẫn dắt bởi các nhà phân phối chính, các công ty vận chuyển và doanh nghiệp công nghệ cũng như các siêu thị để áp dụng công nghệ chuỗi khối quy mô quốc tế.
Hãng công nghệ IBM đã hợp tác với Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) và Wal-Mart phát triển nên nền tảng IBM Food Trust, nền tảng ứng dụng công nghệ Blockchain vào quy truy trình sản xuất, phân phối chuỗi cung ứng giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiệu quả, hiển thị đầy đủ thông tin sản phẩm từ khâu nuôi/trồng đến khâu sản xuất, phân phối và đến tận tay người tiêu dùng. Nền tảng này được nhiều thương hiệu và nhà sản xuất lớn trên thế giới sử dụng như: Nestle, Unilever, Carrefour, Kroger, Dole hay Tyson Foods.
Thực tế, Blockchain vẫn là chuỗi công nghệ đang được phát triển. Để ứng dụng công nghệ Blockchain rộng rãi trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần có sự đầu tư và tham gia từ cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở chế biến, các siêu thị bán lẻ và các chủ trang trại đầu tư để giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, đảm bảo thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Theo ICTNews